KL's blog

Man cannot discover new oceans, unless he has courage to lose sight of the shore…

Câu chuyện cái cánh gà

cover

Anh gặp cậu bé ở Hải Phòng vào một ngày cuối mùa hạ. Cậu tới dự phần chia sẻ hướng nghiệp cùng rất nhiều bạn đồng trang lứa – những cô bé cậu bé đang đứng trước ngưỡng cửa bước vào đại học, trước một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời.

Anh ở đó để giới thiệu cho các bạn nghề y là như thế nào, trải lòng để các bạn thấy con đường trước mặt. Và cậu bé nghe rất chăm chú, cũng nhiệt tình phát biểu, tham gia trắc nghiệm để làm quen với cách chọn lựa những ứng viên vào ngành y… Đến giờ ăn trưa, anh chủ động kéo cậu vào ngồi cùng ăn. Cậu rủ rỉ nói chuyện rất nhiều. Cậu đã rất háo hức theo sát những thông tin trên trang Fan-page của dự án đại học để tham dự vào các sự kiện một cách hiệu quả nhất. Và hôm nay cậu cùng người bà con đi ô tô từ Nghệ An ra tận đây để dự. Vừa ăn cậu vừa nói, rất thích thú với buổi chia sẻ sáng nay vì cậu đã hiểu thêm nhiều điều về nghề y, về cách học y khoa theo những phương cách sáng tạo và tân tiến. Hai người nói chuyện rất nhiều về những công cụ phần mềm kỳ thú mà ban sáng anh có giới thiệu sơ qua để cho các bạn hiểu học giải phẫu có thể sinh động tới cỡ nào. Cậu bé rất háo hức, cậu bảo phần mềm thầy nói em đã tìm cách thử ngay, có thể tải bản dùng thử miễn phí. Anh nói cậu cứ an tâm, khi vào học y ở đây, các bạn sinh viên sẽ được dùng bản đầy đủ, rất kỳ thú, mà không phải lo tự đi tìm, đi mua trên mạng…

xương sọ

Xương sọ (vẽ tay – vở tự học Giải phẫu 30 năm trước đây)

Nói chuyện với cậu, anh thầm cảm thấy vui trong lòng. Tròn 30 năm trước, lúc này cũng là thời điểm khi anh chuẩn bị bước chân vào học y năm đầu tiên. Ngày đó, niềm say mê lớn nhât trong năm đầu tiên của anh chính là tìm hiểu những điều kỳ diệu của cơ thể con người. Làm sao mà chúng ta có thể suy nghĩ, có thể hành động như con người? Tại sao chỉ với 14 tỷ neuron mà não người vượt xa những hệ thống máy tính khủng nhất? Có một bộ phận trong cơ thể chúng ta không bao giờ ngừng làm việc. Não có thể tạm nghỉ, đánh một giấc ngủ. Phổi có thể nín nhịn hơi thở trong một thời khắc, thậm chí đến vài phút – ở những thợ lặn kỳ cựu. Cơ, xương khớp có thể thả lỏng hoàn toàn. Nhưng trái tim – vâng trái tim con người lặng lẽ đập những nhịp đều đặn, chắc nịch, đưa máu đi khắp nơi nơi, không một lúc nào ngừng lại, liên tục nhiều chục, thậm chí tới cả trăm năm…

so nao

… và phần mềm có sử dụng VR/ AR giúp học Giải phẫu hộp sọ với cái nhìn 3D chi tiết từ ngoài vào trong của thời đại hôm nay

Ngày ấy, cậu trai 17 tuổi là anh háo hức đặt ra những câu hỏi, rồi cố gắng đi tìm những câu trả lời. Còn nhớ, anh đã đi từ thú vị này tới vui sướng khác, khi dần dần hiểu nhiều hơn. Càng học, anh càng thấy tạo hóa đã ban cho chúng ta một cơ thể đầy những điều kỳ diệu và đẹp đẽ. Hãy xem những buồng tim với những trụ cột cơ tim chắc khỏe, không giống bất kỳ nhóm cơ nào ở bắp tay bắp chân, ở trong bụng hay xung quanh cột sống. Hãy nhìn những sắp xếp giải phẫu của các xương tạo thành hộp sọ, cách mà các xương sọ từ từ phát triển, để từ một em bé – với hộp sọ còn chưa kín hoàn toàn khi ra đời, trở thành một người lớn, khi mà các xương đã lớn khôn, đóng kín thóp mềm khi còn là em bé… Rồi nữa, có những tế bào miễn dịch trong cơ thể chúng ta giúp nhận định đâu là con vi khuẩn nguy hiểm, đâu là những tế bào ác hiểm – những kẻ thù bé nhỏ ngay trong cơ thể – rồi tấn công tiêu diệt chúng. Những điều đó chẳng phải rất kỳ diệu?

tim

Trái: buồng tim (vẽ tay – vở tự học Giải phẫu 30 năm trước đây) – Phải: trích hình ảnh từ video học giải phẫu trong tim, hướng dẫn chi tiết các van tim, sinh lý các luồng máu, cơ tim và thần kinh tim

Không những thế, những năm tháng sinh viên y khoa cũng cho anh nhiều trải nghiệm về thân phận con người. Anh chứng kiến những cô bé tuổi vị thành niên, viết đơn xin phá thai, giấu cha giấu mẹ, nét chữ còn vụng về, sai chính tả. Anh chứng kiến những đau đớn của biết bao người bệnh, cả thể xác lẫn tinh thần. Rồi những cái chết lãng nhách, những câu chuyện đời xót xa. Đúng như người ta nói, chúng ta không chữa bệnh, những bệnh tật cụ thể, mà chúng ta cứu chữa những người bệnh – bởi cùng một căn bệnh trong y văn, biểu hiện với người này có thể khác với người kia, cách ta vấn an họ, điều trị cho họ cũng tùy thuộc vào hoàn cảnh riêng từng người. Chúng ta không chữa “ung thư” – mà chúng ta chữa ông A, chị B, anh C với ung thư trong cơ thể họ – một cơ thể mà tạo hóa đã cho chúng ta, cân đối và đẹp đẽ, rồi đến một ngày bệnh tật hoành hành, đánh sập. Và vì vậy, đến cuối ngày, những khuôn mặt, những số phận con người sẽ đọng lại trong ký ức người làm nghề y, cùng cả niềm hân hoan của họ – khi được biết mình đã khỏi bệnh hoàn toàn, hay nỗi thất vọng, thậm chí là tuyệt vọng của họ – khi đón nhận những điều tồi tệ nhất.

Nhận thấy sự say mê trong câu chuyện của cậu bé lúc ngồi ăn, anh hỏi cậu về kỳ thi olympic quốc tế mà cậu vừa trải qua. Khi được anh hỏi ấn tượng nhất trong kỳ thi là gì, cậu bé thật thà kể lại việc mình đã cọ sát và học hỏi được đôi điều từ cuộc thi quôc tế này. Một trong các phần thi, cậu kể đại để là thí sinh phải vẽ/ mô tả lại cấu trúc của mẫu. Và họ phát cho mỗi thí sinh hai cái cánh gà thật. Khi làm phần này, có những thí sinh lấy dao kéo cắt tung tóe cả hai cái cánh gà được phát, nhằm tìm hiểu xem cấu trúc giải phẫu cánh gà như thế nào. Trái lại (sau khi làm xong và nói chuyện cậu mới biết) nhiều bạn học sinh đã lập luận rằng cấu tạo cơ thể sinh vật sẽ có những điểm tương đồng. Và rằng về mặt đại thể, cánh của con gà chẳng qua cũng tương tự như cẳng tay của con người mà thôi. Do vậy nếu đã học và biết được sơ lược cẳng tay của người gồm có xương ở trong, các lớp gân cơ bên ngoài bố trí dọc theo trục xương thì cánh gà ắt là tương tự. Vì thế, nhiều học sinh chỉ cần vài đường rạch đơn giản, dứt khoát, là họ có thể mô tả, vẽ lại cấu trúc cánh gà. Kết quả là họ làm phần thi đó nhàn nhã, nhanh chóng, và họ chỉ phải dùng 1 trong hai cái cánh gà được phát, cái kia còn nguyên vẹn không phải đụng đến, mọi thứ đều sạch sẽ gọn gàng. Câu chuyện của cậu bé làm anh rất thich thú. Anh bèn hỏi cách giải của cậu trong phần thi đó. Cậu bảo em cũng không mầy mò cắt cái cánh gà nát bấy ra như nhiều người. Cậu nói thêm, rằng theo nguyên tắc đã có xương thì phải có cơ, rồi mạch máu chạy theo để nuôi cơ, xương, rồi dây thần kinh đi theo đó để điều khiển cơ, xương cử động… Do vậy em vận dụng nguyên tắc đó để rạch dao và mô tả lại, đó là những điều em phần nhiều tự học, tự tìm đọc.

cang tay 2

Trái: giải phẫu vùng cẳng tay (vẽ tay – vở tự học Giải phẫu 30 năm trước đây) – Phải: trích hình ảnh từ phần mềm học Giải phẫu, cho phép dùng AR và bóc tách từng lớp cơ, xương, thần kinh

Câu chuyện trong bữa ăn của hai người cứ thế tiếp diễn. Khi đứng lên, cậu trai nói với anh rằng đợt này về cậu sẽ ôn luyện lại Anh ngữ, bởi bây giờ, sau khi nghe anh chia sẻ, cậu đã biết mình phải chuẩn bị những hành trang gì để học y khoa. Anh tin cậu sẽ ôn luyện nhanh thôi bởi 3 năm trước cậu kể đã từng ôn và thi kết quả rất tốt.

Trở về từ chuyến đi hướng nghiệp, anh cứ nghĩ mãi về cậu bé đó, và thấy vui vui trong lòng. Y khoa là một trong những nghề nghiệp lâu đời nhất của loài người. Từ rất lâu, người ta đã truyền dạy nghề y như là làm theo kinh nghiệm, và làm nhiều thì quen tay, mổ nhiều thì thành thạo, mổ giỏi. Tuy nhiên, điều đó đã không còn đúng nữa. Đành rằng làm nhiều thì sẽ thành thạo, nhưng quan trọng hơn, là phải làm đúng phương pháp, có bằng chứng khoa học. Nếu còn thời gian, anh nghĩ bụng, anh sẽ kể cho cậu ấy nghe câu chuyện thật từng xảy ra ở một bệnh viện đầu ngành tại Hà Nội khi anh còn là sinh viên năm cuối. Một giáo sư rất giỏi – thuộc loại đầu ngành, sự nghiệp mổ xẻ lẫy lừng, cứu sống hàng ngàn bệnh nhân, nhưng trong một ca mổ quan trọng đã chủ quan, dựa vào kinh nghiệm, không nghe theo lời can của các trò đứng phụ mổ xung quanh. Kết quả là bệnh nhân đã chết do nhát dao mổ oan nghiệt và sai lầm của ông.

Trở về từ chuyến đi hướng nghiệp, anh lần giở cuốn vở tự học giải phẫu của ngày xa xưa, bồi hồi nhìn lại những hình bằng chì, bằng mực mà mình từng gò lưng vẽ lại từ các sách vở, tài liệu – phần nhiều là ở Thư viện Y học Trung ương – một trong số rất ít những nơi có nhập về một vài cuốn sách giải phẫu in mầu rất sống động. Ngày đó, anh tự vẽ lại là để qua đó học cho thuộc, cho ngấm, và cũng để tự nhắc mình rằng cơ thể và sức khỏe con người là đáng quí đến thế nào. Ngày đó, anh cũng mười bảy mười tám tuổi như cậu bé anh vừa gặp. Bao thứ đã đổi thay kể từ ngày đó, cuốn vở của anh đã bong tróc, giấy ố vàng. Nhưng trong điện thoại của anh là cả một kho phần mềm, kiến thức giải phẫu có thể truy cập ngay lập tức. Tuy nhiên, có những thứ không hề đổi thay, dù ở thời nào, công nghệ gì, lòng nhiệt thành, ý chí tự vươn lên vẫn là sức mạnh lớn nhất của thế hệ trẻ.

Bât giác, anh cứ nghĩ mãi về hình tượng những cái cánh gà người ta phát cho các thí sinh trong kỳ thi ở Hungary năm nay. Rồi đây khi vào đời, chắc chắn sẽ vẫn có những bạn trẻ rạch loạn xạ những cái “cánh gà” – những cơ hội người ta trao vào tay mình, vô phương hướng. Nhưng sẽ có những bạn trân trọng nó, tư duy khác biệt, giải quyết được vấn đề, tận dụng được cơ hội. Những bạn ấy sớm muộn gì cũng sẽ thành công, làm được nhiều việc tốt cho đời. Việc của chúng ta – những người đi trước – là giúp định hướng đúng cho bọn trẻ mà thôi…

man body-s

cơ thể con người là một trong những sáng tạo đẹp đẽ nhất của tạo hóa (vẽ tay, sao chép lại của các tiền bối về Giải phẫu học – 30 năm trước)

4 responses to “Câu chuyện cái cánh gà

  1. Loa cầm tay Tháng Ba 1, 2020 lúc 11:11 sáng

    Phải giáo dục đúng cách

    Thích

  2. Megaphone Tháng Ba 1, 2020 lúc 11:39 sáng

    Đây là 1 câu chuyện rất hay và có tính khoa học cao trong lĩnh vực y học. tôi rất thích

    Thích

Bình luận về bài viết này